The system provides information and data related to 16 fields across 13 provinces and cities in the Mekong Delta. Register Now
sự kiện về tài nguyên nước

Hội thảo về Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khoẻ người dân TP.HCM

 
 
 
Sáng ngày 03/06/2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành Phố Hồ Chí Minh (HCDC) đã tổ chức hội thảo khoa học “Biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe người dân thành phố HCM”.
Hội thảo nhằm chia sẻ kiến thức về những tác động của biến đổi khí hậu với sức khỏe người dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng như những giải pháp ứng phó, phòng ngừa nhằm giảm thiểu tác động đến con người. Biến đổi khí hậu không chỉ ảnh hưởng đến môi trường mà nó sẽ dẫn tới ảnh hưởng đến hệ thống y tế khi làm gia tăng các vẫn đề sức khỏe của người dân.
Tại Hội thảo, các tham dự viên đã được nghe các nhà khoa học chia sẻ bài tham luận tập trung vào những vấn đề biến đổi khí hậu và sự tác động đến sức khỏe con người. Qua đó cùng góp ý các giải pháp để xây dựng kế hoạch hành động, ứng phó biến đổi khí hậu của ngành y tế thành phố giai đoạn 2022 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.
Trong các bài tham luận, các chuyên gia đã phân tích những nguy cơ và đưa ra một số giải pháp trước thách thức của biến đổi khí hậu.
Các chuyên gia đã đưa ra nhận định lượng mưa thay đổi, nhiệt độ gia tăng, khu vực bị ngập lụt và thời gian ngập kéo dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sức khỏe người dân trên địa bàn Thành phố. TS. Nguyễn Văn Hồng – Phó Phân Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cung cấp các dự đoán tình hình biến đổi khí hậu trong tương lai tại Thành phố. Dựa trên mô hình RCP 4.5 thì đầu thế kỷ 21 nhiệt độ tăng 0.6-0.7°C kèm theo đó lượng mưa cũng tăng 9.5-21% và nước biển dâng 12 cm.
Biến đổi khí hậu tạo điều kiện cho các vi sinh vật, côn trùng phát triển, làm tăng mắc các bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt cần lưu ý, các bệnh truyền từ động vật sang người bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các điều kiện môi trường bị ảnh hưởng. Các bệnh mạn tính không lây như tăng huyết áp, đái tháo đường… cũng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu còn tác động đến các nguyên nhân cơ bản chính của tình trạng suy dinh dưỡng: tiếp cận thực phẩm của hộ gia đình, tiếp cận các thực hành chăm sóc và nuôi dưỡng bà mẹ và trẻ em, tiếp cận sức khỏe và sức khỏe môi trường.
PGS. Đỗ Văn Dũng - Trưởng khoa YTCC, đại học Y dược TP.HCM nhấn mạnh nếu thành phố xây dựng kế hoạch đối phó với biến đổi khí hậu thì một đơn vị không thể giải quyết mà phải phối hợp đa ngành. Các biến đổi đổi khí hậu cực đoan cần được chú trọng, nên có tình huống đặc thù, cụ thể hóa hơn để hướng dẫn cho người dân. Bệnh sốt xuất huyết có một phần nguyên nhân là biến đổi khí hậu và hiện tượng đô thị hóa do đó cần tập trung các vấn đề dọn dẹp các vật dụng chứa nước và nên ngủ mùng,...
TS. Nguyễn Văn Hồng cũng chia sẻ những yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa khác nhau sẽ bùng phát dịch bệnh khác nhau. Vì vậy cần tập trung vào các yếu tố mưa, ngập và thời tiết cực đoan đó để đưa ra các giải pháp cho từng giai đoạn để dần hoàn thiện hơn.
Cuối buổi hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh 97,7% các nghiên cứu khẳng định con người tạo ra hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ngành y tế nên thành lập bộ phận theo dõi, thu thập thông tin, cảnh báo, giám sát dựa trên dữ liệu khí tượng thủy văn và chất lượng môi trường để thông báo kịp thời cho người dân. Các chuyên gia nhấn mạnh cần có hành động can thiệp rõ ràng, tìm hiểu và biết được người dân đang thích ứng như thế nào, từ đó có những hướng dẫn giúp người dân ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu.

 

Comment 0